Biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người hay còn gọi là bệnh Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn ăn thịt người sống trong đất. Đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Hầu hết, biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người Whitmore rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan. Bệnh vi khuẩn ăn thịt người được chia làm 3 thể chủ yếu: thể tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính. Mỗi thể bệnh vi khuẩn ăn thịt người có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như: bệnh lao, viêm phổi thông thường.
Những biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người thường có dấu hiệu đặc trưng: sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Tùy theo từng vị trí mà biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người cũng khác nhau. Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày.
Các biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn. Đặc biệt, đối với thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (chỉ sau khoảng 48 giờ), điều may mắn là thể bệnh này rất ít xuất hiện.
Dù chẩn đoán đúng, bệnh nhân nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh vi khuẩn ăn thịt người dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong.
Ngoài ra, không ít bệnh nhân bỏ cuộc do việc điều trị lâu dài, tốn kém.
Việc chẩn đoán xác định khuẩn gây bệnh Whitmore được thực hiện bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch…) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Phòng ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Các chuyên gia khẳng định bệnh vi khuẩn ăn thịt người Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắc xin, do đó các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn là biện pháp phòng bệnh hữu ích.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Chuyên gia cũng khuyến cáo khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, người dân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Trên đây là một số Biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người và cách phòng tránh. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh vi khuẩn ăn thịt người cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.