Biến thể Lambda khiến cho các nhà khoa học chú ý bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay, đã đặt ra thách thức mới cho nền y tế toàn cầu. Vậy biến thể này là gì và nó nguy hiểm thế nào? Người bị nhiễm có những triệu chứng cụ thể nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp chính xác nhất trong bài viết dưới đây nhé!
Thông tin cần biết về biến thể Lambda
Dạo gần đây, một biến thể mới đã xuất hiện và gây ra sự chú ý lớn cho cả người dân và các nhà khoa học. Đó là biến thể Lambda, hiện rất ít người có kiến thức hiểu biết chính xác về loại biến thể này.
Biến thể Lambda là gì?
Biến thể Lambda (C.37) là chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hiện nay đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý. Lambda được phát hiện lần đầu tại thủ đô Lima của Peru. Với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, sau gần 8 tháng, biến thể đã chiếm 97% tổng số ca nhiễm tại Peru.
Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của Lambda là không thể xem thường. Thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy mức độ lây nhiễm của biến thể này còn nhanh hơn Delta rất nhiều. Đến tháng 8/2021, đã có khoảng 40 quốc gia chủ yếu ở Nam Mỹ ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Lambda.
Cũng vào khoảng thời gian này, Nhật Bản ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm C.37 được xác nhận là trở về từ Peru. Điều này trở thành mối lo ngại khi biến thể có xu hướng lây lan sang các châu lục khác.

Lambda có nguồn gốc từ đâu?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 tại thủ đô Lima (Peru), sau đó đã nhanh chóng lan rộng tại nước này. Không lâu sau đó, 80% trường hợp nhiễm Covid-19 mới tại nước này có liên quan tới biến thể Lambda (kể từ tháng 4/2021).
Sau khi phát tán tại Peru, biến chủng virus Lambda tiếp tục tấn công sang khu vực Nam Mỹ (Ecuador, Argentina, Brazil, Chile) và có nguy cơ trở thành biến chủng virus Covid-19 chủ đạo ở các khu vực này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, biến chủng này có nguy cơ tạo nên làn sóng mới tại Mỹ. Và sự thật là nước này đã ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến chủng mới tại 44 bang trên cả nước.
Tại Châu Á, Nhật Bản cũng đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên mang biến thể mới vào ngày 20/7, bệnh nhân là một công nhân người Nhật trở về từ Peru.
Biến thể Lambda có nguy hiểm hơn các biến thể cũ?
Nếu so với biến chủng Delta thì có tốc độ lây lan của Lambda tại nhiều quốc gia trên thế giới ít gây lo ngại hơn. Tuy nhiên, GS. Gregory Poland, một giám đốc Nhóm nghiên cứu vắc xin tại Mayo Clinic chia sẻ rằng bất kỳ lúc nào một biến chủng virus mới được phát hiện và thể hiện khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng thì chúng ta đều phải quan tâm đến nó.
Theo kết quả của các nghiên cứu ban đầu về biến chủng mới cho thấy, chủng Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q làm tăng khả năng lây nhiễm mạnh mẽ so với các chủng virus ban đầu. Mặc dù vậy nhưng hiện tại vẫn có rất ít bằng chứng về biến thể Lambda.
Cơ quan Y tế cộng đồng Anh hiện đang thực hiện các nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm để xác định các đặc điểm và tác động có thể có của chủng Lambda đối với sự lây lan trong cộng đồng. Do đó vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hay làm cho các loại vắc xin hiện đang được triển khai kém hiệu quả hơn.
Triệu chứng của biến thể Lambda như thế nào?
Theo thông tin từ tạp chí Science Focus công bố, các triệu chứng của người bị nhiễm biến thể Lambda không khác biệt gì so với nhiễm các chủng virus Covid-19 thông thường. Cụ thể, các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 tới 14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus. Bất cứ ai cũng có thể xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng hơn, bao gồm: sốt, ho, ớn lạnh, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, cảm giác buồn nôn,…
Người nhiễm biến thể này còn có các triệu chứng liên quan đến đường ruột như tiêu chảy,… Bên cạnh đó, người cao tuổi và người có bệnh lý từ trước như tim mạch, phổi, tiểu đường cũng có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng khác tương tự như biến chủng Delta.
Các loại vaccine được sử dụng để chống lại Lambda
Biến thể Lambda là một biến thể virus mới xuất hiện gần đây, hiện vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu để khẳng định hiệu quả của loại vắc xin đối với biến thể. Tuy nhiên, hầu hết các loại vắc xin phòng Covid-19 được cấp phép trên thị trường hiện nay đều có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể virus. Hiện, Việt Nam đã có 8 loại vắc-xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt và cấp phép sử dụng bao gồm:
Vắc-xin AstraZeneca phòng ngừa biến thể Lambda
AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào trong danh sách sử dụng khẩn cấp. AstraZeneca được Việt nam phê duyệt từ ngày 01/02/2021 và triển khai tiêm chủng bắt đầu vào tháng 3/2021, hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam. Đây là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ vector, sử dụng 2 liều cách nhau từ 8 đến 12 tuần.
Vắc xin Gam-COVID-Vac
Vắc xin Gam-COVID-Vac có tên khác là SPUTNIK V do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất, vắc xin đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, đã được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 23/3/2021. Đây là loại vắc xin sử dụng công nghệ tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Vắc xin được tiêm 2 liều. liều sau cách liều trước ít nhất 3 tuần.
Vắc xin Vero Cell phòng ngừa biến thể Lambda
Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và được Beijing Institute of Biological Products Co. Ltd – Trung Quốc sản xuất. Đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Ngày 3/6/2021, vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vắc xin này được sản xuất theo công nghệ bất hoạt vi rút, tiêm 2 liều cách nhau 3 đến 4 tuần.
Vắc xin Comirnaty
Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA, sử dụng tiêm 2 liều cách nhau 3 đến 4 tuần. Đến ngày 23/8/2021, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức đưa ra chấp thuận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer-BioNTech trong việc phòng ngừa COVID-19 cho những người từ 16 tuổi trở lên.
Phòng ngừa biến thể Lambda bằng vắc xin Spikevax
Vắc xin Spikevax có tên khác là Moderna, do Moderna sản xuất, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào trong danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc-xin này cũng được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA và sử dụng 2 liều cách nhau 4 tuần.
Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch dịch COVID-19 cho loại vắc-xin này vào ngày 28/6/2021. Vì thế để phòng ngừa biến thể Lambda, bạn có thể đến cơ sở y tế tiêm loại vắc xin này.
Vắc xin Janssen
Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) cùng Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vắc xin cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào trong danh sách sử dụng khẩn cấp phòng ngừa biến thể Lambda.
Janssen được sản xuất bằng công nghệ vectơ vi-rút, sử dụng 1 liều duy nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận loại vắc xin Janssen này nhưng Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 15/7/2021.
Vắc-xin vaccine Hayat – Vax
Vắc-xin vaccine Hayat – Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất. Vắc xin được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar – Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt và bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm.
Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Bộ Y tế đã đưa ra quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với vắc-xin Hayat – Vax vào ngày 10/9/2021.
Vắc-xin Abdala
Vắc-xin Abdala được sản xuất tại Cty AICA Laboraries, Base Business Unit AICA – Cuba. Và được đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB), Cuba. Vắc-xin mỗi liều 0,5ml sẽ chứa 50 mcg vắc-xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2 và bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp.
Vắc-xin được đóng gói thành hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin này cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cách phòng chống biến thể virus Lambda
Hãy bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh bằng cách tìm hiểu thông tin và thực hiện các biện pháp phòng chống thích hợp. Cách phòng chống biến thể Lambda, ngăn chặn COVID-19 lây lan:
- Giữ khoảng cách an toàn với người khác ít nhất là 1 mét, kể cả khi họ không có biểu hiện bệnh mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang khi đi đến nơi nhiều người, kể cả khi ở trong nhà hoặc khi không thể giữ khoảng cách.
- Chọn những không gian mở, thông thoáng khí thay vì những không gian kín và mở cửa sổ nếu ở trong nhà.
- Thường xuyên rửa tay, sử dụng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay chứa cồn.
- Tiêm vacxin khi đến lượt, tuân thủ theo chỉ dẫn của địa phương về việc tiêm vaccine.
- Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che mũi và miệng.
Hãy đi khám bệnh nếu bạn bị sốt, ho và khó thở và nhớ gọi điện trước để nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể hướng dẫn bạn đến cơ sở y tế phù hợp gần nhất. Việc này giúp bảo vệ bạn và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Lời kết
Trên đây là những thông tin chia sẻ về biến thể Lambda, hy vọng đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về loại biến thể này. Để dịch bệnh nhanh chóng biến mất, bạn hãy tuân thủ theo đúng quy định phòng chống covid của bộ y tế nhé.