Uốn ván hay cách gọi khác là bệnh “phong đòn gánh” là một bệnh nhiễm trùng cấp do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật các cơ trên nền cơ căng cứng, có thể gây suy hô hấp-trụy tim mạch, rối loạn thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Cùng tìm hiểu xem bệnh uốn ván lây qua đường nào qua bài viết dưới đây!
1. Bệnh uốn ván lây qua đường nào?
- Vi khuẩn uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể con người qua các vết thương bị nhiễm bẩn. Ngoài ra có một số trường hợp mắc bệnh sau khi phẫu thuật hoặc nạo phá thai trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
- Đối với trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván là do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được chăm sóc và vệ sinh rốn sạch sẽ; băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Từ đó tạo điều kiện để nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn.
2. Bệnh uốn ván có lây truyền trực tiếp từ người sang người hay không?
Bệnh uốn ván không lây truyền trực tiếp từ người sang người và có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Phương thức lây truyền bệnh như sau: Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hay do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi xuất hiện trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển. Uốn ván sơ sinh cũng thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn ở trẻ sơ sinh không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc vệ sinh rốn sạch sẽ, gạc băng rốn không vô khuẩn nên bị nhiễm nha bào uốn ván.
Nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương trên da, sinh sôi nảy nở và tạo ra độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh. Chất độc sẽ lan dần vào tủy sống và não. Độc tố ngăn chặn những tín hiệu hóa học từ não và tủy sống đến cơ. Cơ sẽ bị co giật nặng, bệnh nhân có thể ngừng thở và tử vong nếu nhóm cơ hô hấp bị co cứng kéo dài.
Các vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván bao gồm:
- Vết thương hở
- Vết thương nhiễm bẩn, nhiều dị vật
- Vết thương do đạn bắn
- Gãy xương hở
- Bỏng
- Vết thương do phẫu thuật
- Vết cắn của động vật
- Bất cứ dạng vết thương nào (ví dụ như đinh sắt bị rỉ hoặc gai đâm, xăm mình, xỏ khuyên, vết tiêm…);
3. Tiêm uốn ván là gì?
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván là phương pháp bảo vệ cơ thể tránh khỏi bệnh uốn ván một cách chủ động có hiệu quả nhất. Vắc-xin phòng uốn ván có tác dụng vô cùng lớn trong việc phòng tránh, ngăn ngừa bệnh uốn ván nguy hiểm. Từ đó tỉ lệ tử vong do căn bệnh này giảm đi. Trong những trường hợp có vết thương, ngoài vắc-xin phòng uốn ván, một số trường hợp cần phải tiêm thêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) để bảo vệ cơ thể tốt. Vắc-xin phòng uốn ván giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván đối với cả trẻ em và người lớn, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:
- Phụ nữ mang thai, trẻ em
- Trường hợp công nhân vệ sinh môi trường, cống rãnh, nước thải công cộng.
- Những người thường làm việc tại trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Người làm vườn, làm việc ở các trang trại, nông trường.
- Công nhân xây dựng công trình.
- Bộ đội, thanh niên xung phong.
Vắc-xin phòng uốn ván có thể là vắc-xin đơn thuần hoặc phối hợp với các bệnh khác như vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix hexa, Hexaxim), 5 trong 1 (Pentaxim, CombeFive, Quinvaxem), 4 trong 1 (Tetraxim), 3 trong 1 (Adacel, Boostrix, DPT)… Vắc-xin được khuyến cáo tiêm cơ bản như sau:
- Trẻ em sẽ được tiêm vắc-xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib vào 2,3,4 và 18 tháng tuổi. Sau đó, trẻ được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 4-6 tuổi và từ 10-13 tuổi trở lên cho đến người lớn, người già có thể tiêm nhắc vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Phụ nữ có thai lần đầu cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần cách nhau tối thiểu 1 tháng, liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Những lần có thai sau, vắc-xin phòng uốn ván được nhắc lại 1 liều cách lúc sinh tối thiểu 1 tháng. Ngoài ra, có thể sử dụng 1 liều vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván thay thế cho 1 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần, tiêm vào thời kì thai 27 đến dưới 35 tuần để có kháng thể chống ho gà sớm cho trẻ sơ sinh.
- Phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng nên được tiêm phòng uốn ván với 3 liều cơ bản theo phác đồ 0-1-6, nghĩa là tiêm liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
Bên cạnh đó, cứ mỗi 5 – 10 năm bạn phải tiêm nhắc lại một liều để hiệu quả bảo vệ cơ thể đạt tối đa vì vắc-xin ngừa uốn ván không có giá trị phòng ngừa trọn đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Đối với một số trường hợp có thể chống chỉ định hoặc hoãn tiêm như sau:
- Không tiêm cho trường hợp người bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.
- Những người có biểu hiện dị ứng với lần trước đó thì lần sau cũng không được tiêm.
- Không tiêm chủng đối với người có dấu hiệu, triệu chứng thần kinh sau khi tiêm các liều trước đó.
- Hoãn lịch tiêm với trường hợp sốt cao hoặc mắc các bệnh cấp tính.
Vậy bệnh uốn ván lây qua đường nào? Những thông tin phía trên của chúng tôi chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp vấn đề này. Nếu có băn khoăn thắc mắc hãy để lại comment xuống phí dưới, chúng tôi sẵn sàng giải đáp