Virus Herpes thường được gọi là HSV, được chia thành loại 1 và loại 2, cả hai loại này đều có biểu hiện biến đổi của virus Herpes simplex. Loại 1 chủ yếu lây nhiễm ở niêm mạc quanh miệng và mũi, còn loại 2 chủ yếu lây nhiễm ở bộ phận sinh dục, virus rất dễ lây lan, nhất là khi bệnh bùng phát.
Virus Herpes và những thông tin cơ bản cần nắm
Virus Herpes là loại virus thuộc họ Herpesviridae, có kích thước vào khoảng 180 nm, là loại virus dễ xâm nhập vào người nhất, xuất hiện rất nhiều ở những người trưởng thành. Cơ thể người là vật chủ duy nhất của chúng, virus này rất dễ bị nhiễm khi sức khỏe yếu và sức đề kháng cơ thể thấp.
Virus Herpes chủ yếu tồn tại trong dịch mụn nước, dịch tiết niệu đạo, nước bọt và phân của bệnh nhân. Nhiễm virus HSV gây ra các mụn rộp có kích thước bằng hạt gạo trên da, có thể là mụn nước nhỏ đơn lẻ hoặc thành đám, vùng da xung quanh mụn nước đỏ và ngứa.
Theo sự khác biệt về tính kháng nguyên, virus hiện nay được chia thành HSV – 1 và HSV – 2. Sự lây nhiễm xảy ra là do tiếp xúc giữa người này với người khác. Nếu nhiễm HSV, bệnh nhân cần phải có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị dự phòng tái phát.
Thông thường, nhiễm HSV loại 1 chủ yếu gây ra mụn rộp trên mặt bệnh nhân và nhiễm HSV loại 2 chủ yếu gây ra mụn rộp sinh dục cho bệnh nhân. Mụn rộp sinh dục có thể là những nốt mụn nước mọc thành chùm ở vùng âm hộ của người bệnh, kèm theo cảm giác đau, rát gây khó chịu cho người nhiễm bệnh.
Virus Herpes gây ra những căn bệnh gì?
Virus Herpes là một loại virus gây hại cho con người, những căn bệnh mà nguyên nhân bắt nguồn từ virus này thì không quá nguy hiểm nhưng cũng không được xem thường. Trong một số trường hợp đặc biệt, virus Herpes vẫn có thể gây tử vong đối với người bị lây nhiễm.
Virus Herpes thường sẽ gây ra các nhiễm trùng nghiêm trọng. Một số loại nhiễm trùng có thể kế đến: nhiễm trùng hầu họng, nhiễm trùng hệ thống sinh sản, chẳng hạn như tổn thương phồng rộp gây đau ở vùng sinh dục nam và nữ. Ngoài ra còn có các bệnh nhiễm trùng khác như viêm giác mạc Herpetic, Herpes môi v.v.
Virus Herpes tuy chiếm phần lớn ở người trưởng thành nhưng chúng còn có thể gây viêm loét ở trẻ sơ sinh. Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh vẫn chưa được hoàn thiện nên việc bị nhiễm virus và xuất hiện phồng rộp trên cơ thể gây cản trở rất nhiều đến việc chăm sóc trẻ, bên cạnh đó những vết phồng sẽ gây cảm giác đau đớn cho trẻ, trong khi thời gian điều trị phải kéo dài.
Nguy hiểm nhất là virus Herpes có thể gây ra viêm màng não. Bởi vì não là một cơ quan hết sức quan trọng của cơ thể con người, nên khi bị bệnh, không chỉ việc trị liệu rất khó khăn mà tỉ lệ tử vong của bệnh nhân cũng cao hơn rất nhiều. Do đó, chú ý phòng tránh để không bị lây nhiễm là hết sức cần thiết.
Một số triệu chứng do Herpes gây ra
Ở giai đoạn đầu khi nhiễm virus Herpes, người bệnh thường không có những triệu chứng rõ ràng, nên thường không chú ý, đến khi được phát hiện thì bệnh đã đến giai đoạn tiến triển nặng hơn, việc thăm khám cũng như điều trị cũng tốn thời gian, công sức hơn và chi phí điều trị cũng sẽ cao hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất do virus Herpes gây ra là những bỏng rộp, lở loét trên cơ thể người bệnh. Tùy vào việc người bệnh nhiễm phải loại virus nào, cụ thể là virus HSV – 1 hay HSV – 2 thì vị trí xuất hiện mụn rộp hay các vết loét trên cơ thể cũng sẽ khác nhau.
Virus Herpes loại 1: Chủ yếu xuất hiện quanh môi, nơi tiếp giáp giữa da và niêm mạc, có thể nhìn thấy mụn rộp thành từng đám, kèm theo ban đỏ và cảm giác ngứa ran. Loại virus này thường xuất hiện trong điều kiện cơ thể mệt mỏi, hay thức khuya, nghỉ ngơi không điều độ, chế độ ăn uống không lành mạnh.
Virus Herpes loại 2: Có thể gây ra bệnh mụn rộp sinh dục, dấu hiệu thường thấy là ban đỏ, sần và mụn nước mọc thành đám ở bộ phận sinh dục và gần hậu môn, phân bố ở một bên và kèm theo cảm giác đau đớn. Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh da liễu khác nên người nhiễm bệnh cần phải hết sức lưu ý.
Virus Herpes lây qua những con đường nào?
Virus Herpes lây nhiễm giữa người với người theo nhiều con đường khác nhau. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, sự chủ quan của con người trong quá trình quan hệ tình dục v.v. Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể chia thành hai con đường lây nhiễm là trực tiếp và gián tiếp.
Con đường lây nhiễm virus Herpes trực tiếp
Con đường lây nhiễm virus Herpes trực tiếp thường thấy nhất đó là tiếp xúc thông qua vết thương hở, dịch tiết, giọt bắn hô hấp của bệnh nhân hoặc xảy ra quan hệ tình dục với người mang mầm bệnh.
Bằng một cách vô tình hay cố ý, một người khỏe mạnh có thể tiếp xúc và bị lây nhiễm thông qua tiếp xúc với vết thương hở, dịch tiết hay giọt bắn của người nhiễm bệnh, việc này khá nguy hiểm vì có khả năng người bị lây không biết bản thân đang nhiễm virus. Do đó, có thể làm nguồn lây truyền virus sang nhiều người khác.
Một nguyên nhân khác là quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh. Với xã hội phát triển như hiện nay, để tìm được đối tượng quan hệ tình dục là một việc không hề khó và nó cũng chứa đựng nguy cơ lây nhiễm virus Herpes rất cao. Đặc biệt là với người bệnh chưa có biểu hiện rõ ra bên ngoài, đó là một nguồn lây nhiễm tiềm tàng mà chúng ta thường không để tâm đến.
Virus Herpes còn có thể lây nhiễm từ thai phụ sang con của mình. Nếu bệnh nhân mang thai khi bị nhiễm virus thì trẻ khi được sinh ra khả năng cao cũng sẽ bị nhiễm virus. Trong khi đó, trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tổn thương từ nhiều yếu tố khác nhau, vì thế việc đảm bảo an toàn trong tình dục, sinh sản chưa bao giờ là thừa thãi.
Con đường lây nhiễm virus Herpes gián tiếp
Nguyên nhân lây nhiễm virus Herpes gián tiếp là do sử dụng chung các vật dụng cá nhân mang mầm bệnh như bàn chải đánh răng, khăn tắm, kềm bấm móng v.v. Những vật dụng này rất dễ dính máu hoặc dịch tiết của người bệnh. Việc dùng chung những đồ dùng cá nhân nói trên rất dễ lây nhiễm các loại virus, trong đó có virus HSV.
Ngoài việc tránh sử dụng các vật dụng này đối với những người thân trong gia đình, bạn bè hay những người xung quanh thì chúng ta còn cần lưu ý trong những chuyến đi chơi xa, đặc biệt là đồ dùng trong các khách sạn, nhà nghỉ. Trong nhiều trường hợp, các đồ dùng ở đây có thể không được vệ sinh sạch sẽ hoàn toàn.
Nếu chẳng may, chúng ta sẽ phải dùng chung đồ dùng của những người đã mang virus Herpes trước đó và vô tình chính bản thân cũng sẽ bị lây nhiễm. Vì vậy trong các chuyến du lịch hoặc đi chơi xa nhà trong một khoảng thời gian, cần chú ý đem theo những vật dụng cần thiết để tránh việc lây nhiễm không đáng có.
Cách phòng chống bệnh do loại virus này gây ra
Đối với virus Herpes loại 1, chúng ta cần phải có cho mình một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm, trái cây tốt cho sức khỏe, tránh bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng. Không để bản thân căng thẳng hay mệt mỏi quá độ, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Ngoài ra, còn phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của bản thân. Tránh xa các chất kích thích có hại cho cơ thể như đồ uống có cồn, các loại thuốc lá, xây dựng một lối sống lành mạnh để virus không có cơ hội xâm nhập và gây hại tới cơ thể chúng ta.
Đối với virus Herpes loại 2, trước hết là phải quan hệ tình dục một cách an toàn. Nên đến bệnh viện kiểm tra trước khi xảy ra quan hệ. Khi phát hiện bản thân hoặc người khác bị nhiễm virus tuyệt đối tránh quan hệ tình dục, tránh tiếp xúc với vết thương hở hoặc dịch tiết, giọt bắn của người bệnh.
Bên cạnh đó, những vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm phải đảm bảo không được sử dụng chung với người khác, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ và nếu có dấu hiệu của bệnh phải đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm nhất, tránh để bệnh diễn biến nặng hơn.
Cách điều trị khi bệnh
Khi phát hiện bản thân dương tính với virus Herpes, điều đầu tiên cần làm là phải đến bệnh viện chính quy càng sớm càng tốt để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, thăm khám từ những bác sĩ có chuyên môn, không nên nghe theo bất kỳ ai mà điều trị theo các phương pháp được lan truyền không có căn cứ.
Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sẽ có cách trị liệu khác nhau, phổ biến nhất có lẽ là dùng thuốc kháng virus. Các loại thuốc kháng virus thường được sử dụng là Acyclovir và Famciclovir. Nếu bệnh nhân đề kháng với Acyclovir thì có thể dùng Foscarnet để điều trị.
Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng truyền dịch tĩnh mạch. Để phòng ngừa nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể dùng thuốc mỡ Erythromycin, đồng thời có thể trộn với thuốc mỡ kháng virus và kem Penciclovir để bôi ngoài.
Trong quá trình điều trị nghiêm cấm quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm chéo, làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Người bệnh cũng cần giữ vệ sinh vùng da tầng sinh môn sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra khi người bệnh cũng cần kiêng rượu bia, sinh hoạt tình dục, chú ý nghỉ ngơi và hạn chế thức khuya.
Kết luận
Virus Herpes là virus khá nguy hiểm, khi bị nhiễm virus người bệnh không những phải đối mặt với những cơn đau về thể xác mà còn phải chịu tổn thương tinh thần về vẻ ngoài của bản thân. Vì vậy, việc biết cách phòng tránh đúng đắn là cần thiết để bảo vệ mình và những người xung quanh.