Virus HPV là một trong số các tác nhân gây u nhú ở người. Các trường hợp nhiễm loại virus, đa phần không dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có một số chủng gây ra ung thư cổ tử cung hay bệnh ung thư khác tại các bộ phận như: âm đạo, hậu môn, hầu,… Vậy HPV là virus gì, nguy hiểm ra sao? Bài viết bên dưới sẽ giúp bạn giải đáp cho thắc mắc này.
Virus HPV là gì?
Virus HPV là một loại virus gây u nhú ở người, có tên đầy đủ là Human Papilloma Virus, được xem là nguyên nhân hàng đầu trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI). Hiện nay, có rất nhiều chủng virus khác nhau nhưng không phải tất cả đều sẽ gây bệnh nghiêm trọng.
Một số chủng virus chỉ gây ra tình trạng nổi mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Nhưng một số chủng nguy hiểm có thể xâm nhập vào cơ thể, gây bệnh ở bên trong cơ quan sinh dục và gây nên các loại tình trạng ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và những bộ phận sinh dục khác.
Do đó, tùy vào chủng virus gây bệnh mà cơ thể nhiễm virus có thể có hoặc không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào cũng có khả năng mắc các bệnh nan y như ung thư cổ tử cung.
Những căn bệnh nhiễm trùng do virus HPV gây ra thường lây truyền thông qua qua đường tình dục hoặc thông qua các tiếp xúc da kề da. Tiêm vắc xin chính là biện pháp hữu hiệu giúp phòng chống các chủng HPV có khả năng gây ra mụn cóc sinh dục hoặc tệ hơn là ung thư cổ tử cung.
Virus HPV có bao nhiêu chủng?
Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định có hơn 100 chủng virus HPV khác nhau. Đa phần chúng đều vô hại, không có triệu chứng và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong đó, có hơn 40 chủng virus có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục và hậu môn.
Ngoài ra, có 15 chủng HPV có nguy cơ cao, khả năng gây ra các bệnh ung thư khác nhau, từ ung thư cổ tử cung, hậu môn cho đến các bộ phận sinh dục khác. Những chủng virus ít nguy hiểm hơn có thể gây ra mụn cóc ở bàn chân, tay (đặc biệt là ở lòng bàn chân), mụn cóc sinh dục,… Bên dưới là một số chủng HPV thường gặp:
Chủng virus HPV 6 và HPV 11
Đây là các chủng virus HPV có nguy cơ thấp., khoảng 90% tình trạng mụn cóc sinh dục có khả năng liên quan đến chúng. Ngoài ra, HPV 11 cũng có thể gây ra các thay đổi đối với cổ tử cung. Tiêm vaccine HPV là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa HPV 6 và HPV 11.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, vaccine đạt hiệu quả lên đến 89-99% trong việc chống lại HPV 6 và HPV 11 ở những người có độ tuổi từ 9-26 tuổi. Trường hợp bạn đã nhiễm HPV 6 hay HPV 11, bác sĩ sẽ kê đơn những loại thuốc như Imiquimod (Aldara, Zyclara) hay Podofilox (Condylox). Đây là các loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng phá hủy những mô mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
Virus HPV 16 và HPV 18
Virus HPV 16 và HPV 18 đều là chủng HPV có nguy cơ cao nhưng lại không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Đây chính là tác nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung – căn bệnh ung thư phổ biến hàng đầu của nữ giới.
HPV 16 và HPV 18 là căn nguyên của hơn khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Tiêm vaccine HPV là biện pháp hữu hiệu, là cách bảo vệ bạn trước hai chủng HPV này.
Virus HPV có lây không?
Theo lời TS.BS Vũ Hữu Khiêm, các virus gây u nhú ở người (HPV) rất dễ để lây lan. Tuy nhiên, virus HPV không có khả năng lây truyền qua các chất dịch cơ thể như tinh dịch hay nước bọt, mà là lây truyền do tiếp xúc da với da.
Điều này có khả năng xảy ra nhất khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng và hậu môn. Tình trạng lây nhiễm cũng có khả năng xảy ra nếu HPV tiếp xúc với màng nhầy (ở miệng, môi, hậu môn hay các bộ phận của cơ quan sinh dục) hoặc vết nứt trên da, chẳng hạn như vết rách ở âm đạo.
Người ta ước tính rằng, đa số những người có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó. Khi sử dụng bao cao su đúng cách, sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV.
Dấu hiệu nhiễm virus HPV
Cơ thể của người bị nhiễm virus HPV sẽ có thể hình thành các loại mụn cóc ở nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào loại HPV:
- Mụn cóc sinh dục: Xuất hiện dưới dạng vết sưng nhưng không đau, tiết dịch và gây ra ngứa. Ở phụ nữ, loại mụn cóc này chủ yếu xuất hiện ở âm hộ nhưng có thể cũng gặp ở gần hậu môn, trên cổ tử cung hay trong âm đạo. Ở nam giới thì hình thành trên dương vật và bìu hay xung quanh hậu môn.
- Mụn cóc thông thường: Xuất hiện ở trên bàn tay và ngón tay dưới dạng các nốt sần sùi, gồ lên. Trong đa số những trường hợp, mụn cóc dạng này chỉ gây mất thẩm mỹ, nhưng đôi khi cũng gây đau đớn hoặc chảy máu.
- Mụn cóc Plantar: Là những nốt mụn cứng, sần sùi, thường xuất hiện ở gót chân hoặc ở lòng bàn chân, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Mụn cóc phẳng: Là những nốt mụn có đầu phẳng, hơi nhô cao. Chúng có khả năng xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Trẻ em thường bị trên mặt, phụ nữ bị ở chân và nam giới có xu hướng nổi ở vùng râu.
Nguyên nhân nhiễm virus HPV
Nhiễm virus HPV sẽ xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể, thường là thông qua vết thương hở trên da. Trong khi đó, virus sinh dục có khả năng lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Nếu bạn đang mang thai và bị nhiễm HPV dưới dạng mụn cóc sinh dục, em bé sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
Mụn cóc có tính lây lan rất mạnh nên bạn sẽ dễ lây bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc hay chạm vào vật thể có chứa virus HPV gây ra mụn cóc. Những yếu tố có nguy cơ lây nhiễm HPV gồm có:
- Có nhiều bạn tình: Bạn có nhiều bạn tình hay quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình cũng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tuổi tác: Mụn cóc đa phần xảy ra ở trẻ em, còn mụn cóc sinh dục thường xảy ra phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ có khả năng nhiễm HPV cao hơn. Nguyên nhân suy yếu hệ miễn dịch có thể do HIV/AIDS hay các loại thuốc ức chế miễn dịch (thường sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng).
- Da bị tổn thương: Những vùng da bị hở hay có vết xước sẽ dễ phát triển mụn cóc hơn.
- Có sự tiếp xúc không an toàn: Khi chạm vào mụn cóc của người khác hoặc không mặc đồ bảo vệ trước khi tiếp xúc với các bề mặt chứa virus HPV – chẳng hạn như hồ bơi, vòi sen công cộng đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Virus HPV có khả năng gây ra bệnh gì?
Nếu như bị nhiễm virus HPV mà không tiến hành điều trị hay để cho virus cư trú quá lâu trên cơ thể, thì bạn sẽ dễ gặp phải các biến chứng như:
Tổn thương vùng miệng và đường hô hấp trên
Một trong số những biến chứng thường gặp và phổ biến do HPV gây ra là tổn thương vùng miệng và đường hô hấp trên. Một số bệnh nhiễm trùng HPV sẽ có khả năng gây ra các tổn thương ở trên lưỡi, vòm miệng, amidan, trong thanh quản và mũi.
Ung thư cổ tử cung – Biến chứng nguy hiểm nhất của HPV
Gần như tất cả những trường hợp ung thư cổ tử cung đều có nguyên nhân là do nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, phải mất khoảng từ 10 đến 20 năm hoặc có thể lâu hơn sau khi nhiễm virus này thì ung thư cổ tử cung mới bắt đầu phát triển.
Ngoài biến chứng ung thư cổ tử cung, một số loại ung thư khác có tiền căn là virus HPV có thể nhắc đến là ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, ung thư âm đạo,… Cách bảo vệ bạn hữu hiệu nhất trước căn bệnh nguy hiểm này chính là tiêm phòng ngừa nhiễm HPV.
Phương pháp chẩn để đoán nhiễm virus HPV
Khi có các dấu hiệu nhiễm virus HPV, bác sĩ sẽ thường chỉ định các phương pháp xét nghiệm sau để chẩn đoán nhiễm HPV:
- Xét nghiệm tế bào học Papsmear.
- Xét nghiệm Thinprep – xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.
- Xét nghiệm DNA để xác định sự hiện diện của virus HPV.
Để kết quả từ quá trình chẩn đoán nhiễm virus HPV chính xác, phụ nữ cần ghi nhớ các lưu ý quan trọng trước khi thực hiện xét nghiệm như sau: Trước khi làm xét nghiệm 24 giờ, không được sử dụng kem bôi trơn âm đạo, không xét nghiệm trong các ngày kinh nguyệt vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập được.
Thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm là ít nhất 5 ngày sau khi sạch kinh. Ngoài ra, trong vòng 48 – 72 giờ sau quan hệ tình dục, không được làm xét nghiệm. Tuyệt đối không được thụt rửa, tác động đến vùng âm đạo trong vòng trước 2 đến 3 ngày làm xét nghiệm. Và nếu bạn đang trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì cần thông báo ngay với bác sĩ.
Điều trị nhiễm HPV
Có nhiều trường hợp, nhiễm virus HPV sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Trên thực tế, có khoảng 70 – 90% người nhiễm HPV được hệ thống miễn dịch tự loại bỏ virus khỏi cơ thể.
Khi cần điều trị, làm giảm triệu chứng bằng cách loại bỏ mụn cóc và các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Hướng điều trị thường sẽ là: Phẫu thuật lạnh, Quy trình cắt bỏ phẫu thuật điện vòng (LEEP), Đốt điện, Liệu pháp laser và thuốc bôi.
Phòng tránh nhiễm virus HPV
Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, nó không có hiệu quả 100% khi bảo vệ bạn khỏi sự lây lan của HPV vì nó không bao phủ hết toàn bộ phần da bộ phận sinh dục.
Người bị mụn cóc sinh dục không nên quan hệ tình dục cho đến khi hết hoàn toàn mụn cóc. Ngoài ra, còn có một số cách khác giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV:
- Quan hệ tình dục an toàn, tránh việc quan hệ cùng lúc với nhiều bạn tình.
- Phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap/Thinprep/HPV DNA định kỳ hàng năm hoặc 3 năm/1 lần để phát hiện sớm các thay đổi bất thường ở cổ tử cung – dấu hiệu tiền ung thư.
- Nam và nữ nên dừng ngay quan hệ tình dục khi biết hoặc nghi mình mắc bệnh sùi mào gà, sau đó phải đi khám và điều trị triệt để.
- Tiêm ngừa vắc xin phòng HPV: Tiêm loại vắc xin này để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV dẫn tới ung thư miệng, ung thư vòm họng, lưỡi, ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật,…).
- Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện tổn thương do nhiễm HPV sớm.
Kết luận
Virus HPV tuy là tác nhân gây bệnh và tạo ra nhiều biến chứng khác nhau, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, tin rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về loại virus cũng như cách để phòng tránh, phòng ngừa cơ thể tránh nhiễm loại virus này.